Một hộ kinh doanh hoàn toàn có thể đăng ký kinh doanh tại 02 hay nhiều địa điểm khác nhau nhưng phải chọn 01 địa điểm trong số đó để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh (theo khoản 2 Điều 86 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP)...
1. Hộ kinh doanh có thể đăng ký tại 2 địa điểm khác nhau không?
Một hộ kinh doanh hoàn toàn có thể đăng ký kinh doanh tại 02 hay nhiều địa điểm khác nhau nhưng phải chọn 01 địa điểm trong số đó để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh (theo khoản 2 Điều 86 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP).
Đồng thời, đối với các địa điểm kinh doanh còn lại, hộ kinh doanh phải thông báo cho cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.
Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5d Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT được bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT, trường hợp hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh tại địa điểm kinh doanh khác ngoài trụ sở thì phải thông báo địa điểm kinh doanh đến Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Phòng Tài chính - Kế hoạch tiếp nhận thông báo địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh và trả Thông báo về mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp địa điểm kinh doanh cho hộ kinh doanh.
Điểm h khoản 3 Điều 5 Thông tư số 105/2020/TT-BTC quy định:
h) Người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và cá nhân khác theo quy định tại Điểm i, k, l, n Khoản 2 Điều 4 Thông tư này được cấp mã số thuế 10 chữ số cho người đại diện hộ gia đình, người đại diện hộ kinh doanh, cá nhân và cấp mã số thuế 13 chữ số cho các địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Theo đó, trường hợp hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh ngoài trụ sở thì các địa điểm kinh doanh đó sẽ được cấp mã số thuế 13 chữ số.
Như vậy, hộ kinh doanh có quyền hoạt động kinh doanh ở nhiều địa điểm khác nhau và phải đăng ký 01 địa điểm là trụ sở của hộ kinh doanh đồng thời thông báo tới Phòng Tài chính - Kế hoạch nơi đặt trụ sở về các địa điểm kinh doanh khác.
2. Một hộ kinh doanh có thể có bao nhiêu địa điểm kinh doanh?
Như đã phân tích ở trên, một hộ kinh doanh có thể có nhiều địa điểm kinh doanh, không giới hạn số lượng tối đa.
Trước đây theo khoản 1 Điều 66, Điều 72 Nghị định 78/2015/NĐ-CP hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, trừ trường hợp kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động.
Tuy nhiên, từ ngày 04/01/2021, khoản 2 Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã loại bỏ quy định trên và hộ kinh doanh được hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm.
Cụ thể, khoản 2 Điều 86 Nghị định 01/2021 quy định:
2. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
Như vậy, hộ kinh doanh được hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm và không giới hạn số lượng địa điểm kinh doanh, nhưng phải chọn 01 địa điểm làm trụ sở hộ kinh doanh.
3. Thủ tục thông báo địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh
Thông báo lập địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh được xác định là việc thay đổi nội dung đang ký hoạt động hộ kinh doanh.
Hồ sơ thông báo địa điểm kinh doanh hộ kinh doanh gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động hộ kinh doanh (Phụ lục III-2 thông tư 02/2023/TT-BKHĐT)
- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh (nếu không phải chủ hộ trực tiếp đi làm).
Trong vòng 03 ngày làm việc, phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh sẽ trả kết quả về mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp địa điểm kinh doanh đó.
Nguồn: luatvietnam.vn