1900 068 838

    Hỗ trợ:

Người Hoa tại Mỹ khó xử trong cuộc chiến thương mại

Tất cả các quốc gia và người dân trên thế giới ít hay nhiều đều bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là người hoa bị mắc kẹt giữa cuộc chiến thương mại này


chiến tranh thương mại mỵ trung

 

Tình trạng công kích người Trung Quốc đang gia tăng lên một mức độ mới tại Mỹ. Nhiều công dân Mỹ gốc Hoa phàn nàn họ bị soi xét nhiều hơn sau cuộc đối đầu thương mại “ăn miếng trả miếng” giữa Bắc Kinh và Washington, cùng sự xuất hiện của hàng loạt cáo buộc về hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.

“Người Mỹ gốc Hoa dễ bị tổn thương và bị cuốn vào (cuộc đối đầu Mỹ - Trung)”, Chi Wang, chủ tịch Quỹ Chính sách Mỹ - Trung tại Washington, nhận định.

Giáo sư Wang giảng dạy tại Đại học Georgetown và từng là người đứng đầu phân ban Trung Quốc thuộc Thư viện Quốc hội. Ông chia sẻ rằng rất buồn khi thấy “gốc Trung Quốc” của mình bị lợi dụng để nói ông là người không đủ “Mỹ” hay không đáng tin cậy.

“Tôi sống ở Mỹ hơn 70 năm và làm việc cho chính phủ Mỹ 50 năm trước khi nghỉ hưu. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy không được chào đón”, ông Wang chia sẻ. Người đàn ông 86 tuổi đến Mỹ trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949.

Cả Mỹ và Trung Quốc tới nay đều không có dấu hiệu xuống nước

Cả Mỹ và Trung Quốc tới nay đều không có dấu hiệu xuống nước trong cuộc chiến thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì lập trường cứng rắn – cáo buộc Bắc Kinh can thiệp bầu cử và áp thuế lên thêm 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc vào tuần trước, tương đương gần một nửa số sản phẩm đất nước châu Á xuất khẩu sang Mỹ.

Đáp trả, Bắc Kinh chỉ trích lối tiếp cận thù địch của ông Trump là một phần nỗ lực dài hạn của Washington nhằm cản trở sự phát triển của Trung Quốc.

Vào thời điểm không thể nhạy cảm hơn, hôm 29/8, ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi dân gốc Hoa, bao gồm cả công dân đang sinh sống ở nước ngoài, ủng hộ “lợi ích quốc gia to lớn hơn” của Bắc Kinh và “giấc mơ Trung Quốc” hồi sinh của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Hồi tháng 8, báo cáo quốc hội của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung cáo buộc Trung Quốc có những chiến dịch gây ảnh hưởng ở Mỹ, bao gồm việc đàn áp ý kiến bất đồng và can thiệp các viện chính sách Mỹ bằng việc tài trợ dự án nghiên cứu.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà lập pháp Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nước khác, như Australia, New Zealand, tố chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến dịch nhằm tác động giới tinh hoa chính trị, học giả và truyền thông phương Tây.

Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu 2 hãng thông tấn Trung Quốc là Tân Hoa xã và Đài Global Television Network (CGTN) đăng ký là đại diện nước ngoài theo Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA).

Những cáo buộc nghiêm trọng trên khiến người dân Mỹ e sợ và tạo nên bóng đen ngờ vực về những cuộc trao đổi chính thức và học thuật giữa hai nước, ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn du học sinh Trung Quốc tại Mỹ.

“Mối quan hệ xói mòn là nguyên nhân gây quan ngại cho tất cả mọi người. Chiến tranh thương mại đã khiến cuộc sống của người Mỹ gốc Hoa trở nên khó khăn”, theo Frank Wu, chủ tịch Ủy ban 100, tổ chức gồm những người gốc Hoa có tầm ảnh hưởng tại Mỹ.

Ông Wu, cựu trưởng khoa trường Luật Hastings, Đại học California, nhận định người Mỹ gốc Hoa là nạn nhân của hội chứng “người nước ngoài suốt đời”, một nạn kỳ thị người gốc Á tại Mỹ.

“Đối với người Mỹ có tổ tiên ở Trung Quốc, mọi người đang ngày càng muốn biết bạn ở phe nào. Nếu bạn nói bạn là người Mỹ, họ không tin. Thậm chí nếu bạn được sinh ra ở Mỹ và gia đình sống ở đây nhiều thế hệ, mọi người vẫn sẽ nhìn bạn và nghĩ bạn hẳn là gián điệp hay đặc vụ nước ngoài không có ý định tốt đẹp gì”, ông Wu nói. Bản thân ông cũng là người Mỹ gốc Á.

“'Làm thế nào để bạn biết trong thâm tâm bạn thật sự là người Mỹ?’. Người Mỹ gốc Á đối mặt với nhiều câu hỏi, hoài nghi. Họ liên tục phải tự chứng minh bản thân”, ông cho biết.

Theo khảo sát gần đây của Trung Tâm Nghiên cứu Pew, cứ 10 người Mỹ thì chỉ 4 người có cái nhìn tích cực về Trung Quốc. Khảo sát được tiến hành trong tháng 5-6 và tập trung vào căng thẳng thương mại.

Kết quả có thể đã tệ hơn nếu nhắc tới các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc được thực hiện vào tháng 7, khi thuế trừng phạt đầu tiên của Mỹ được áp lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc. 

“Chúng ta đang chứng kiến bất đồng và xích mích chưa từng có tiền lệ trong quan hệ Mỹ - Trung. Cuộc đối đầu chưa tới mức trực diện trên mọi phương diện giống như Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh nhưng chắc chắn nó đang diễn biến theo hướng đó”, Yun Sun, chuyên gia về Đông Á tại Trung tâm Stimson, Washington, nói.

Lịch sử đầy ngờ vực

 

 


Nghiên cứu của Ủy ban 100 năm 2017 chỉ ra rằng người châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc, thường vướng cáo buộc là gián điệp tại Mỹ. Nghiên cứu xem xét 136 vụ án liên quan đến 187 cá nhân trong giai đoạn 1997-2015. Từ năm 2009, tỷ lệ người Mỹ gốc Hoa bị buộc tội gián điệp kinh tế tăng gấp ba lần.

Tuy nhiên, trong gần 20 năm, dù nhiều người bị kết án, một số được chứng minh là án sai và vô cớ.

Trong vụ án tai tiếng nhất, Wen Ho Lee, nhà vật lý người Mỹ gốc Đài Loan, bị truy tố vì tội đánh cắp bí mật về kho hạt nhân Mỹ cho Trung Quốc hồi tháng 12/1999. Trong 59 tội, chính phủ cuối cùng chỉ có thể kết án ông một tội danh về xử lý thông tin được giới hạn.

Vụ việc được coi như ví dụ điển hình của việc chính quyền và báo chí cùng chống lại một người. Năm 2006, ông nhận được khoản tiền bồi thường 1,6 triệu USD từ chính phủ liên bang và 5 hãng tin vì bị vi phạm quyền riêng tư.

Gần đây có vụ án liên quan tới nhà vật lý Xiaoxing Xi và nhà thủy văn Sherry Chen Xiafen. Cả hai đều đã nhập quốc tịch Mỹ và bị cáo buộc là gián điệp. Tuy nhiên, hai người được chứng minh vô tội và được cộng đồng những người gốc Á tại Mỹ biết đến như nạn nhân của kỳ thị chủng tộc. Đến nay bà Chen vẫn chưa được phục chức.

Năm 2017, Chunzai Wang, chuyên gia hàng đầu thế giới về biến đổi khí hậu bị bắt sau chuyến đi tới Trung Quốc. Wang, làm việc ở Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí hậu Quốc gia, bị buộc tội nhận tiền từ các tổ chức Trung Quốc để giúp học sinh nghiên cứu.

Ông nhận tội đối với hành vi nhận tiền từ một chương trình do Bộ Giáo dục Trung Quốc giám sát. Hồi tháng 2, Thẩm phán Liên bang Cecilia Altonaga phụ trách phía nam Florida chỉ kết án ông ngồi tù một đêm. Thẩm phán hoài nghi về việc khởi tố ông Wang, nói rằng điều duy nhất bà hối tiếc “là tôi phải xét xử” vụ án của ông ấy.

Peter Zeidenberg, luật sư của ông Wang, cho biết: “Tiến sĩ Wang bị đối xử không công bằng. Đây là sự thật đã được thẩm phán công nhận. Ông là thiệt hại trong chiến dịch chống các nhà khoa học Mỹ gốc Á của chính phủ Mỹ”.

Du học sinh dưới một cái nhìn hoài nghi

 

 

Khi quan hệ Mỹ - Trung bước vào giai đoạn với nhiều sự thù địch mới, việc ủng hộ lối tiếp cận diều hâu với Bắc Kinh ngày càng gia tăng tại Washington.

Hồi tháng 2, Christopher Wray, giám đốc FBI, nhận định hoạt động tình báo của các học giả, nhà khoa học và học sinh Trung Quốc là “mối đe dọa toàn xã hội”, vì vậy, cần “toàn xã hội” phản ứng.

Hồi tháng 8, theo Politico, Tổng thống Trump phát biểu tại một sự kiện, cho rằng gần như mọi học sinh Trung Quốc tại Mỹ đều là gián điệp.

Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger, bày tỏ sự cảm thông với những người Trung Quốc đang học tập và làm việc tại Mỹ: “Không hề nghi ngờ gì rằng sự khai phóng trong giáo dục Mỹ đã giúp ích cho nước Mỹ hơn là gây hại từ khi làn sóng học sinh Trung Quốc tới đây vào những năm 1980. Thành tựu của các học sinh, sinh viên và các trường đại học Mỹ đã nuôi dưỡng tài năng cho họ nên được ca ngợi”.

Daly cho rằng Washington nên có những bước đi thận trọng đối với hơn 350.000 người Trung Quốc đang theo học các trường đại học Mỹ. Tuy nhiên, ông lưu ý họ là một phần hậu quả của chiến dịch gây ảnh hưởng mà Trung Quốc đang áp dụng với Mỹ.

“Trong khi một vài lời cáo buộc là nói quá hoặc thiếu cơ sở, những gì chúng tôi biết về mục tiêu và phương pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gia tăng sự cảnh giác”, ông nói.

Theo Orville Schell, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ Mỹ - Trung tại New York, hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc châm ngòi cho những nghi ngờ đối với các học giả tới Mỹ.

“Những người Trung Quốc ở nước ngoài bị kẹt giữa cuộc giao tranh”, ông nói.

Chiến dịch gây ảnh hưởng

Ông Daly cáo buộc ông Tập và quan chức Trung Quốc đã biến những người Mỹ gốc Hoa thành mục tiêu với lời kêu gọi giúp “hồi sinh Trung Quốc vĩ đại”. Theo Schell và Daly, Bắc Kinh đã tăng tài trợ cho các tổ chức Mặt trận Thống nhất tìm cách vận động ủng hộ và khuếch trương ảnh hưởng.

“Không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh theo đuổi các mục tiêu này. Đây không phải nỗ lực mới nhưng những chiến dịch hiện tại được tài trợ nhiều hơn và ngang nhiên hơn”, ông Daly nhận định.

“Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao nếu ông Trump triệu tập các học sinh Mỹ và các cơ sở tại Trung Quốc để đóng góp cho sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở? Luận điệu và các chương trình dù công khai hay che dậy của Bắc Kinh đã khiến Mỹ nhận thức rằng các học giả Trung Quốc có thể đe dọa an ninh quốc gia”.

Trả lời phỏng vấn MSNBC hồi tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng bên cạnh Nga, Trung Quốc gây “mối đe dọa nghiêm trọng nhất” với lợi ích quốc gia.

Michael Collins, trợ lý phó giám đốc Trung tâm Sứ mệnh Đông Á thuộc CIA, thẳng thừng mô tả chiến dịch của Trung Quốc giống như chiến tranh lạnh mà ông Tập đang thúc đẩy để chống Mỹ.

Dẫu vậy, theo nhiều học giả Trung Quốc, cái nhìn diều hâu của chính quyền Mỹ về Trung Quốc, coi nước này như mối đe dọa kinh tế và an ninh, đóng vai trò lớn trong việc châm ngòi cho cái họ gọi là cảm tính chống Trung Quốc và "hoang tưởng" của công chúng Mỹ.

Steve Tsang, nhà khoa học chính trị và giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại London, Anh nhận định lãnh đạo hai nước đều chịu trách nhiệm cho hoàn cảnh hiện nay của người Trung Quốc tại Mỹ.

“Chính phủ Trung Quốc yêu cầu người dân gốc Hoa phải trung thành với ‘đất mẹ’, điều đó khiến một số người tại Mỹ và nhiều nơi hoài nghi về lòng trung thành của những công dân gốc Hoa cùng quốc tịch với họ”, ông nói.

Trong lúc đó, Gal Luft, đồng giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu tại Washington, lên án báo cáo của quốc hội về việc Trung Quốc thâm nhập vào các viện nghiên cứu của Mỹ, trong đó có Viện Brookings, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cũng như Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

“Những lời khẳng định táo bạo được đưa ra về việc Trung Quốc tác động các viện nghiên cứu nhưng lại không cung cấp một bằng chứng hay nguồn nào để chứng minh. Trong 39 trang báo cáo, chỉ một trang nói về hoạt động của Trung Quốc ở Mỹ. Nó giống như một chiến dịch gây hoang tưởng về ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi có rất ít bằng chứng để chứng tỏ điều này”, Luft lên tiếng.

Daly cũng cảnh báo về việc phóng đại mối đe dọa từ Trung Quốc.

“Chừng nào cộng đồng, các viện nghiên cứu và chính quyền Mỹ được thông tin đầy đủ về các phương pháp của Trung Quốc và chừng nào Mỹ còn tiếp tục duy trì những giá trị then chốt của sự khai phóng, đa dạng và tự do ngôn luận, thì họ không phải sợ những nỗ lực của Trung Quốc dù chúng có được tài trợ nhiều đến mức độ nào đi chăng nữa”, ông nói.

» CÔNG TY TNHH DV HĐĐT TRUNG KIÊN
» Hotline: 1900 068 838
» Email : Info@hoadondientutrungkien.com
» Website: hoadondientutrungkien.com

Các tin khác

phone
Support hóa đơn điện tử:
1900 068 838 (Giờ hành chính)
phone
Holine hóa đơn điện tử:
0919448851 (Ngoài giờ hành chính)
mail
Email hỗ trợ hóa đơn:
info@hoadondientutrungkien.com

Liên hệ

CÔNG TY TNHH DV HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ TRUNG KIÊN
MST     : 0 3 1 5 1 7 0 3 6 5

Địa chỉ : 108/6A Đường số 6, Phường Linh Trung, Thành phố Thủ Đức, Hồ Chí Minh.
Hotline : 0919 44 88 51 - Tổng Đài: 1900 068 838
Email   : Info@hoadondientutrungkien.com


KẾT NỐI VỚI TRUNG KIÊN

 

Hỗ Trợ