Thời gian trước không ít doanh nghiệp, người nộp thuế ít nhiều phản ảnh về thủ tục hành chính thuế còn rườm rà, mất thời gian từ việc liên hệ, giải quyết, thống nhất hồ sơ cho đến trả kết quả thanh kiểm tra hay phản hồi những vướng mắc...
Hiện nay tình trạng này đã hầu như không còn nhờ các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính đến thời gian giải quyết hồ sơ cũng nhanh chóng đúng thời hạn...
Phó chánh Văn phòng Tổng cục Thuế Nguyễn Đức Huy cho biết, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển sang phương thức quản lý thuế điện tử, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai, mở rộng thực hiện khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.
Đến nay, cơ bản các thủ tục hành chính về thuế của doanh nghiệp đã được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4. Hệ thống khai thuế điện tử được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. 99,59% doanh nghiệp đã tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử.
Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Số doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ gần 99%. Tổng cục Thuế cũng mở rộng triển khai cung cấp dịch vụ hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế tại 63 tỉnh, thành phố. Doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử đạt hơn 97%.
Người nộp thuế thực hiện thủ tục thuế qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế là cá nhân thực hiện quyết toán thuế một cách thuận tiện, nhanh chóng, Tổng cục Thuế đã triển khai mở rộng việc đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Gần đây nhất, Tổng cục Thuế đã triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai của cá nhân, hộ gia đình trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến thời điểm này, 150 thủ tục hành chính thuế đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc đưa các thủ tục hành chính thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia được đánh giá là giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng. Phương thức quản lý điện tử đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời ngày càng tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp.
Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện N.V.H (trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) Nguyễn Văn Hiến chia sẻ: “Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cơ quan thuế, các doanh nghiệp đã tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cũng như công sức đi lại.
Nếu như trước đây, để làm quyết toán thuế thu nhập mất rất nhiều thời gian đi lại và chờ đợi thực hiện thủ tục hành chính, thì nay doanh nghiệp có thể đặt trước lịch làm việc với cơ quan thuế hoặc cơ quan thuế hỗ trợ bằng cách tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế thông qua bưu điện và qua các hình thức điện tử”.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, việc thực hiện thủ tục thuế trong thời gian gần đây có nhiều tiến bộ. Các thủ tục dù đã đơn giản hóa rất nhiều nhưng vẫn bảo đảm sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế.
Đặc biệt, việc kê khai, nộp thuế điện tử được áp dụng rộng rãi giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí khi thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế tối đa tiếp xúc không cần thiết với cán bộ thuế, giảm thiểu chi phí không chính thức.
Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020) được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố mới đây, nhóm thủ tục hành chính về thuế tiếp tục là nhóm dẫn đầu với điểm số cao, mức phí tuân thủ thấp.
Phát huy kết quả trên, Phó chánh Văn phòng Tổng cục Thuế Nguyễn Đức Huy cho biết, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; triển khai có hiệu quả hóa đơn điện tử...
Đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính
Để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính các phương án như:
+ Thủ tục đặt in, tự in hóa đơn được rút ngắn từ 10 ngày còn 4 ngày làm việc (Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC);
+ Hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng với nội dung hoàn trả các khoản do doanh nghiệp nộp thừa, bổ sung nội dung cục trưởng cục thuế phải ban hành quyết định gửi người nộp thuế trong ngày ký quyết định hoàn thuế,
Và Cơ quan Kho bạc Nhà nước thực hiện việc chi trả tiền hoàn thuế trong thời hạn 1 ngày kể từ khi nhận được quyết định hoàn thuế (Thông tư 31/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 99/2016/TT-BTC)…
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đang rà soát để ban hành mới và sửa đổi các quy trình nghiệp vụ của Tổng cục Thuế liên quan đến người nộp thuế, như:
+ Quy trình bán lẻ, cấp lẻ hóa đơn; Quy trình kế toán thuế nội địa;
+ Quy trình Đăng ký thuế; Quy trình Kê khai và nộp thuế; Quy trình hoàn thuế; Quy trình thanh tra, kiểm tra thuế…
Thời gian và chi phí cho thủ tục hành chính đều giảm
Trong bối cảnh khung pháp luật về nhóm TTHC thuế không có sự thay đổi trong giai đoạn khảo sát APCI 2020 và APCI 2019 (cuối năm 2019 và cuối năm 2018), điểm APCI 2020 của nhóm TTHC thuế tăng 5,5 với điểm so với APCI 2019. Khi so sánh các kết quả về tổng CPTT, thời gian hay chi phí trực tiếp cho việc thực hiện các TTHC trong nhóm TTHC thuế cho thấy gánh nặng chi phí tuân thủ đã giảm đáng kể đối với DN. Điểm nổi bật trong nhóm TTHC thuế là tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói qua 2 năm khảo sát đã giảm từ 24% xuống còn 5%. Điều này cũng phù hợp với thực tế các DN khảo sát đã có kinh nghiệm và lựa chọn việc tự thực hiện thủ tục.
Một điểm khác biệt nữa giữa APCI 2019 và APCI 2020 đối với nhóm TTHC thuế là khảo sát APCI 2020 ghi nhận sự thay đổi tích cực về quá trình làm việc với đoàn kiểm tra của cơ quan thuế xuống làm việc trực tiếp tại DN trong thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với DN. Theo đó, tỷ lệ DN phải làm việc với đoàn kiểm tra của cơ quan thuế xuống làm việc trực tiếp tại DN, chi phí thời gian và chi phí trực tiếp dành cho việc tiếp đón Đoàn Kiểm tra - Thanh tra đều được giảm thiểu đáng kể.
Nguồn: internet