Từ đầu mối nhỏ trên mạng xã hội
Bắt đầu từ việc phát hiện những trang mạng rao bán công khai hóa đơn giá trị gia tăng bao gồm cả hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử, trong hành trình 180 ngày, các trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội, đã triệt xóa thành công chuyên án “đấu tranh với nhóm đối tượng sử dụng không gian mạng hoạt động mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép”.
Trung tá Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cho hay, từ đầu năm 2017 thực hiện chủ trương cải cách hành chính thuế theo chỉ đạo của Chính phủ về cắt giảm số giờ nộp thuế, đặc biệt là quy định về việc bỏ bảng kê. Theo đó, người nộp thuế không bắt buộc phải nộp bảng kê chi tiết hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra trong kê khai thuế giá trị gia tăng.
Đặc biệt, vừa qua Chính phủ và Tổng cục Thuế triển khai chủ trương áp dụng hóa đơn điện tử dần thay thế hóa đơn giấy trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử góp phần vào cải cách hành chính Thuế, tạo minh bạch, thuận lợi hiệu quả trong kê khai nộp thuế tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử ngày một hiện đại văn minh.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, có một số đối tượng triệt để lợi dụng những kẽ hở trong quản lý hóa đơn điện tử, giao thoa trong quá trình chuyển đổi hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy, đã lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao đăng tải thông tin, quảng cáo trên các trang mạng xã hội thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Tháng 4 năm 2020, qua công tác trinh sát trên không gian mạng thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện nhiều trang mạng xã hội, Facebook, Zalo có đăng tải thông tin quảng cáo, giới thiệu về dịch vụ mua bán hóa đơn giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp để thực hiện kê khai thuế khấu trừ hàng hóa dịch vụ đầu vào.Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, có một số đối tượng triệt để lợi dụng những kẽ hở trong quản lý hóa đơn điện tử, giao thoa trong quá trình chuyển đổi hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy, đã lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao đăng tải thông tin, quảng cáo trên các trang mạng xã hội thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong thời gian 2 tháng các trinh sát mới xác định được người quản trị các trang mạng rao bán công khai hóa đơn giá trị gia tăng là Nguyễn Nam Khánh (sinh năm 1991) trú tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Đáng chú ý trong đội ngũ Cộng tác viên của Khánh ngoài 2 nam thanh niên còn có cả vợ Khánh cùng tham gia.
Quá trình đấu tranh chuyên án, từ những tài liệu, căn cứ ban đầu về hoạt động của Nguyễn Nam Khánh, đối tượng quản trị, điều hành các tài khoản mạng xã hội Facebook “Dịch vụ hóa đơn GTGT, VAT, hóa đơn điện tử” và Zalo “Nam Phong” để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn giá trị gia tăng; trên cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp, công tác nghiệp vụ; các biện pháp chuyên biệt của lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; chiến thuật trinh sát, Ban chuyên án đã mở rộng xác định các đối tượng liên quan đến đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử siêu “khủng” này.
Cất trọn mẻ lưới
Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cho hay, trước đây các phòng nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội cũng đã triệt xóa nhiều đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng giấy với số tiền ghi khống lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên, Phòng chủ trì chuyên án đấu tranh với loại tội phạm mua bán trái phép hóa đơn điện tử. Chỉ cần một cú click chuột hàng chục nghìn hóa đơn sẽ được gửi tới những người có nhu cầu, thiệt hại kinh tế cho Nhà nước rất lớn.
Thế nhưng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, dày công theo dõi di biến động của đối tượng, các trinh sát phát hiện Lê Thị Hạnh mới chính là bà trùm, là cầu nối tất cả các đầu mối trong đường dây.Quá trình nắm hành tung của Nguyễn Nam Khánh, các trinh sát đã phát hiện người chuyên cung cấp hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử cho Khánh là Lê Thị Hạnh (sinh năm 1985) trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hạnh là bà chủ một kiot kinh doanh phụ tùng xe máy tại chợ Hòa Bình, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nếu quan sát từ bên ngoài, cửa hàng của Hạnh cũng không khác gì những cửa hàng buôn bán phụ tùng khác trong khu chợ vẫn mệnh danh là chợ “Trời” này. Cửa hàng của vợ chồng Hạnh có 2 tầng, mỗi ngày Hạnh đều ngồi trên tầng 2 viết hóa đơn - một hoạt động hết sức bình thường của một cửa hàng kinh doanh dù nhỏ.
Thực hiện phương án phá án 140 cán bộ chiến sĩ thuộc các đơn vị Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phòng Ngoại tuyến và Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ chia thành 8 tổ công tác tổ chức theo dõi, giám sát, mật phục các đối tượng, địa điểm nghi vấn từ ngày 31/12/2020.
Sau khi Ban chuyên án họp thống nhất chủ trương, kế hoạch phá án ngày 12/1, tất cả 8 tổ trinh sát được phân công đã đồng loạt triển khai các phương án bắt, khám xét khẩn cấp với các đối tượng liên quan trong đường dây gồm Lê Thị Hạnh; Ngô Thị Xuân (sinh năm 1960) trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Nguyễn Nam Khánh; Trần Quang Hiếu (sinh năm 1983) trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; Nguyễn Đình Vũ (sinh năm 1991) trú tại phường Phố Huế.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Thị Hạnh; Ngô Thị Xuân; Nguyễn Nam Khánh và Nguyễn Đình Vũ. Tài liệu chuyên án thể hiện, Lê Thị Hạnh là đối tượng giữ vai trò chính, là cầu nối giữa các đối tượng sản xuất và tiêu thụ hóa đơn giá trị gia tăng khống. Hạnh lấy hóa đơn giấy từ Ngô Thị Xuân Xuân; hóa đơn điện tử từ Nguyễn Đình Vũ để bán lại cho nhóm tìm kiếm khách hàng của Nguyễn Nam Khánh và hưởng hoa hồng.
Tại cơ quan công an, Ngô Thị Xuân khai nhận làm 2 loại dịch vụ liên quan đến xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng. Một là tự làm dấu hộ kinh doanh khống tại phố Đoàn Trần Nghiệp, có đầy đủ tên, chức danh, chữ ký và mua lại của một người bán ở chợ một số con dấu có đủ thông tin tên, chức danh, chữ ký. Sau khi có khách hàng hỏi mua hóa đơn Xuân sẽ xuất hóa đơn cho khách và hưởng lợi 450.000 đồng/ hóa đơn. Thứ hai, Xuân nhận viết thuê hóa đơn cho khách. Nếu khách hàng có nhu cầu thì đưa Xuân bộ hóa đơn giá trị gia tăng trống - không có thông tin về đơn vị mua hàng và hàng hóa và người phụ nữ này ghi thông tin theo yêu cầu và gửi lại Liên 2 cho khách.
Đối với những hóa đơn giá trị gia tăng dưới 20 triệu đồng, Hạnh mua từ Xuân. Các quyển hóa đơn này đã được đóng dấu ký tên khống tại liên số 2 giao cho khách, các thông tin còn lại được bỏ trống hoàn toàn để Hạnh có thể tự điền thông tin của công ty mua. Hạnh nhận thông tin khách hàng mua từ Khánh, tự viết hóa đơn hoặc cung cấp thông tin cho Xuân, Vũ để lên hóa đơn và gửi trực tiếp đến địa chỉ khách hàng.
Đối tượng khác trong chuyên án là Nguyễn Đình Vũ phụ trách việc sản xuất hóa đơn giá trị gia tăng điện tử. Nguyễn Đình Vũ quản lý nhiều chữ ký số, dữ liệu hóa đơn điện tử của các công ty “ma” nhằm thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng cho Nguyễn Nam Khánh, Lê Thị Hạnh và nhiều đối tượng khác.
Nguồn: laodongthudo.vn