Phát biểu khai mạc, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới và toàn cầu suy giảm do đại dịch Covid-19, TP.HCM chủ động, linh hoạt thực hiện mục tiêu kép, góp phần chống dịch và phát triển kinh tế cùng cả nước.
Thời gian vừa qua, TP đã cố gắng hết sức trong phát triển kinh tế và phòng, chống dịch Covid-19, đạt được những tín hiệu khả quan.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4, đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân và sản xuất của doanh nghiệp (DN). Trong đợt dịch này, tại TP xuất hiện các chùm ca lây nhiễm với tổng số 461 trường hợp mắc bệnh, mà nghiêm trọng nhất là chùm ca nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục hưng (404 ca).
“Dù không mong muốn nhưng TP đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên toàn TP và theo Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 từ 0h ngày 31/5”, ông Phong thông tin.
Ông Phong cho rằng, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của người dân, đến nay, TP cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4. Tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế TP nói chung và cộng đồng DN nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Hơn 10 nghìn DN giải thể và ngưng hoạt động
Ông Phong liệt kê, từ đầu năm đến nay, TP có 1.365 DN báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. Có 2.274 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ); có 9.308 DN tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ)...
Ngay từ đầu năm, TP đã chủ động đẩy nhanh các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, với mục tiêu tổng quan là tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe toàn dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Các doanh nghiệp đồng hành cùng TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch hỗ trợ 99 tỷ đồng góp quỹ mua vắc xin và phòng, chống Covid-19 trong ngày 9/6.
Để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này, chính quyền TP đã đề ra nhiều kế hoạch và đề án để phát triển TP, nổi bật là: Đề án xây dựng đô thị thông minh, xây dựng Trung tâm tài chính, xây dựng và phát triển TP Thủ Đức. Những đề án này hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Trong 5 tháng đầu năm, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, TP ghi nhận được những tín hiệu khởi sắc về kinh tế như:
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng ước đạt khoảng hơn 456 ngàn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,9%);
Thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,4%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 47,5%).
Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,3%); Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 174 ngàn tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
"Cuộc họp hôm nay, TP sẽ lắng nghe, cầu thị với các khó khăn và đề xuất của DN, để cùng đồng hành vượt qua thách thức đại dịch, đoàn kết thực hiện mục tiêu kép. TP luôn đồng hành cùng DN để tháo gỡ mọi khó khăn để ổn định sản xuất cho DN, thực hiện thành công mục tiêu kép mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Khi doanh nghiệp gặp trở ngại, khó khăn chắc chắn TP không bao giờ đứng ngoài cuộc”, ông Phong cam kết.
Vì theo ông Phong, sự phát triển, phồn vinh của TP không thể tách rời với sự phát triển của DN. TP phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ DN.
Ông Phong chỉ đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo TP Thủ Đức và các quận, huyện hết sức quan tâm, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và các đại biểu để có đề xuất, tham mưu cho UBND TP những chính sách, giải pháp thiết thực hiệu quả, kịp thời; đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đã và đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; để siết chặt tay nhau cùng vượt qua trở ngại, thách thức và vững bước tiến đến những chặng đường sắp tới.
Nguồn: internet