Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế có nguy cơ làm lộ thông tin của khách hàng, tuy nhiên theo ý kiến các chuyên gia, quy định này để đảm bảo sự bình đẳng giữa kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.
Bởi lẽ hiện nay, những người kinh doanh truyền thống phải thuê cửa hàng, trụ sở, phải kê khai, nộp thuế đầy đủ, trong khi đó, kinh doanh thương mại điện tử hiện đại hơn, chi phí thấp, lợi nhuận cao hơn thì lại không phải nộp thuế. Theo đó, có rất nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng trên mạng xã hội có thể thu tiền về tài khoản, hoặc qua người giao hàng (shipper), nhận tiền mặt... Theo đại điện cơ quan thuế, quy định này xuất phát từ thực trạng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Bởi theo Luật Kinh doanh thương mại điện tử, để xác định được nguồn thu nhập thì cơ quan thuế phải có thông tin từ bên ngân hàng. Theo quy định của Luật Quản lý thuế cũ, ngân hàng đã phải cung cấp thông tin liên quan cho cơ quan thuế theo yêu cầu.
Tuy nhiên, Nghị định 126 năm 2020 quy định chi tiết hơn, đó là ngoài cung cấp thông tin theo yêu cầu ra thì phải cung cấp thông tin định kì. Việc cung cấp thông tin định kỳ này chủ yếu là bên nước ngoài chuyển tiền về. Ví dụ như đối với Google, cơ quan thuế sẽ yêu cầu bên ngân hàng cung cấp thông tin khi phát hiện có khoản thu nhập từ Google trả cho 1 cổ tức hay 1 cá nhân về việc phát hành trên Play store. Vì vậy, chỉ những trường hợp đặc thù, đặc biệt, những giao dịch phục vụ cho công tác quản lý thuế thì cơ quan thuế mới yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng đó cho cơ quan quản lý thuế.
I. Ví dụ là những trường hợp có thể bị yêu cầu công khai thông tin ngân hàng sau đây:
1) Trốn thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, vị phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh.
2) Không nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
3) Ngừng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
4) Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân khác.
5) Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật như: Từ chối không cung cấp thông tin tài liệu cho cơ quan quản lý thuế, không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
6) Chống, ngăn cản công chức thuế, công chức hải quan thi hành công vụ.
7) Quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước hoặc hết thời hạn chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà người nộp thuế hoặc người bảo lãnh không tự nguyện chấp hành.
8) Cá nhân, tổ chức không chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.
9) Phát hành, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
10) Các thông tin khác được công khai theo quy định của pháp luật.
II. Nội dung và hình thức công khai thông tin người nộp thuế
- Nội dung, thông tin bị công khai gồm:
+ Mã số thuế, tên người nộp thuế, địa chỉ, lý do công khai.
+ Tùy theo từng trường hợp cụ thể cơ quan quản lý thuế có thể công khai chi tiết thêm một số thông tin liên quan của người nộp thuế.
- Hình thức công khai:
+ Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế, trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế các cấp;
+ Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;
+ Niêm yết tại trụ sở cơ quan quản lý thuế;
+ Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan quản lý thuế các cấp theo quy định của pháp luật;
+ Các hình thức công khai khác theo các quy định có liên quan.
Sưu tầm.